Éc-gơ No-rơ nín thở theo dõi những thao tác của các thực tập sinh. Cảnh tượng các khí cụ đặt la liệt gợi nhớ đến trạm điều khiển của con tàu vũ trụ. Nhưng căn phòng thênh thang với những cửa sổ rộng màu da trời nhạt lập tức làm tiêu tan mọi liên tưởng về con tàu vũ trụ.
Ở chính giữa phòng, trên cái bàn bằng kim loại, có một khoang buồng làm bằng những tấm ru-phô-lu-xít, một vật liệu trong suốt cả với tia hồng ngoại cũng như với tia thấy được.
Một mạng ống và dây dẫn chằng chịt bao quanh lớp sứ màu nâu của cái thùng đựng nước trên tàu vũ trụ; trong thùng có nhốt hai con sứa đen đem từ hành tinh của ngôi sao sắt về.
Ê-ôn Tan đứng thẳng người, cánh tay vẫn đeo băng buông lủng lẳng như trước. Từ xa, anh chăm chú nhìn cái tang trống của máy tự ghi. Những giọt mồ hôi nhỏ toát ra trên trán nhà sinh vật học, phía trên cặp lông mày đen và rộng.
Éc-gơ No-rơ liếm cặp môi đã khô đi.
— Vẫn không thấy gì. Sau năm năm đi đường, trong ấy chỉ còn lại đám bụi — Nhà du hành vũ trụ nói bằng giọng khàn khàn.
— Nếu vậy thì thật là hết sức tai hại… cho Nhi-da và cho tôi — nhà sinh vật học đáp lại — Ta sẽ phải mò mẫm, có thể phải mất nhiều năm nữa mới xác định được tính chất của thương tổn.
— Anh vẫn cho rằng những khí quan giết mồi của con sứa và của cây tháp tự đều giống nhau ư?
— Đấy không phải là ý kiến riêng của tôi. Gơ-rim Sa và những người khác cũng đã tin chắc như thế. Nhưng lúc đầu, đấy là những ý nghĩ hết sức bất ngờ. Tôi tưởng rằng cây thập tự đen không phải là sản vật của hành tinh.
— Anh có nhớ rằng tôi cũng đã từng nói với anh về việc đó không? Tôi cho rằng vật đó là của con tàu đĩa và dùng để canh giữ con tàu. Nhưng nghĩ cho kỹ thì cần gì phải canh giữ ở bên ngoài khi con tàu vững chắc như một pháo đài bất khả xâm phạm? Việc ta thử mở con tàu đĩa đã cho thấy những ý nghĩ như vậy không có lý.
— Tôi tưởng rằng cây thập tự nói chung không phải là sinh vật, mà là một người máy tự động được đặt ở đấy để bảo vệ con tàu.
— Chính thế! Nhưng bây giờ cố nhiên tôi từ bỏ ý nghĩ ấy. Cây thập tự đen là một sinh vật do thế giới của bóng tối sinh ra. Có lẽ những vật đó ở khu vực dưới, khu vực đồng bằng.
Chúng xuất hiện từ phía «cổng», tức là từ cái lũng hẹp giữa các vách đá. Những con sứa nhẹ hơn và linh hoạt hơn, chúng cư trú trên bình sơn nguyên mà chúng ta đã hạ xuống. Mối liên hệ giữa cây thập tự đen và còn tàu đĩa chỉ là sự tình cờ, chẳng qua là những thiết bị bảo vệ của chúng ta đã đụng đến cái xó xỉnh xa xôi đó của đồng bằng, cái xó xỉnh vẫn chìm trong bóng tối phía sau con tàu đĩa.
— Và bây giờ anh vẫn cho rằng những khí quan giết người của cây thập tự và của con sứa là giống nhau?
— Đúng thế! Những con vật ấy sống trong hoàn cảnh như nhau, vì thế phải có những khí quan giống nhau. Ngôi sao sắt là một thiên thể nhiệt điện. Toàn bộ lớp khí quyển dày của hành tinh hết sức bão hòa điện. Gơ-rim Sa cho rằng những con vật ấy lấy năng lượng từ khí quyển, tạo nên sự tích tụ giống như những sét hòn của chúng ta. Hãy nhớ đến sự chuyển động của những ngôi sao nhỏ trên chân vòi của những con sứa.
— Cây thập tự cũng có những chân vòi, nhưng lại không có…
— Chẳng ai kịp nhận thấy đấy thôi. Còn về tính chất của sự gây thương tổn cho các thân thần kinh, làm tê liệt trung tâm cao cấp tương ứng thì ở tôi cũng như ở Nhi-da đều giống nhau, điều đó tất cả chúng ta đều nhất trí! Đấy là bằng chứng chủ yếu và là hy vọng chính!
— Hy vọng ư? — Éc-gơ No-rơ giật mình.
— Tất nhiên. Anh xem đây. — Nhà sinh vật học chỉ những đường đều đặn của khí cụ ghi — những điện cực nhậy cắm vào cái bẫy nhốt những con sứa không cho thấy gì cả. Hai con quái vật chui vào đấy với toàn bộ năng lượng tích tụ được của chúng, năng lượng đó không thể thoát ra khỏi thùng sau khi đã hàn kín thùng. Lớp bảo vệ cách ly của những bình thức ăn vũ trụ hẳn là không thể cho cái gì thấm qua được, đấy không phải là những bộ giáp bảo vệ sinh vật loại nhẹ của chúng ta. Anh nên nhớ rằng cây thập tự đã khiến Nhi-da bị liệt lại không làm hại gì chúng ta. Hạ âm của nó lọt vào bộ áo giáp bảo vệ cao cấp, làm tiêu tan ý chí, nhưng những luồng điện sát thương do nó phóng ra không có ảnh hưởng gì. Những luồng điện ấy đã xuyên qua bộ áo giáp của Nhi-da, cũng như những con sứa đã chọc thủng bộ giáp của tôi.
— Vì vậy, điện tích của những sét hôm nay của một thứ gì tương tự, khi đã vào trong thùng thì vẫn phải còn ở đó. Nhưng các khí cụ không cho thấy gì hết…
— Hy vọng chính là ở đấy. Như vậy nghĩa là những con sứa chưa tan biến thành bụi.
Chúng…
— Tôi hiểu. Chúng đã hóa nang, tự bọc mình trong cái vỏ giống như tổ kén.
— Đúng. Sự thích nghi như vậy là phổ biến trong những cơ thể sống bị bắt buộc phải trải qua những thời kỳ bất lợi cho sự tồn tại. Những đêm băng giá của hành tinh đen, những trận cuồng phong kinh khủng vào lúc «bình minh» và «hoàng hôn», đó là những thời kỳ bất lợi.
Nhưng, bởi vì những thời kỳ đó luân phiên nhau tương đối nhanh, nên tôi tin chắc rằng những con sứa có thể mau chóng hóa nang cũng như mau chóng ra khỏi tình trạng đó. Nếu lập luận ấy đúng thì chúng ta sẽ có cách khá đơn giản để làm cho những con sứa đen trở lại hoạt động sống khốc hại của chúng.
— Khôi phục lại nhiệt độ, khí quyển, sự chiếu sáng và những điều kiện khác của hành tinh đen phải không?
— Đúng, mọi việc đều đã được dự tính và chuẩn bị đâu vào đấy. Gơ-rim Sa sắp đến đây.
Chúng ta sẽ bắt đầu bơm hỗn hợp nê-ông — ô-xy — ni-tơ vào thùng tới áp suất ba át-mốt-phe.
Nhưng trước hết phải biết chắc rằng…
Ê-ôn Tan bàn bạc với hai trợ lý. Một thiết bị gì không rõ bắt đầu trượt tới gần cái thùng nâu một cách chậm chạp. Tấm ru-phô-lu-xít phía trước dịch ra, mở một lối đi tới cái thùng nguy hiểm.
Những điện cực trong thùng được thay thế bằng những chiếc gương nhỏ xíu có đèn chiếu sáng hình trụ. Một trong những trợ lý đứng vào bàn điều khiển từ xa. Trên màn ảnh hiện lên một mặt lõm phủ một lớp bọc có bạt và mờ mờ phản chiếu những tia sáng đèn: đấy là thành thùng. Cái gương quay đều. Ê-ôn Tan nói: — Chiếu bằng tia Rơn-ghen thì khó, lớp cách ly mạnh quá. Phải dùng một cách phức tạp hơn.
Cái gương quay phản chiếu đáy bình. Ở đó có hai cục màu trắng, hình cầu không đều, bề mặt có lỗ và có thớ, hình dạng giống quả của giống lúa mì thân gỗ mới gây gần đây (bề ngang của quả lúa mì tới bảy mươi cen-ti-mét).
— Nối máy đàm thoại truyền hình vào véc-tơ của Gơ-rim Sa — nhà sinh vật học bảo một người giúp việc.
Vừa thấy rõ những giả thuyết đại cương của mình là đúng, nhà bác học chạy ngay vào phòng thí nghiệm. Mắt nheo nheo như cận thị, nhưng hoàn toàn không phải vì thị lực kém mà vì thời gian, ông nhìn một lượt những máy đã chuẩn bị. Gơ-rim Sa nom không giống một nhà bác học nổi tiếng (những nhà bác học nổi tiếng thường có vẻ oai nghiêm). Éc-gơ No-rơ nhớ tới Ben Bô-dơ: vẻ ngoài bẽn lẽn như chú bé mới lớn cũng không tương xứng chút nào với trí tuệ vĩ đại của anh.
— Phá mối hàn! — Gơ-rim Sa ra lệnh.
Bàn tay máy cắt một lớp của khối men rắn mà không làm cái nắp nặng xê dịch. Những ống dẫn hỗn hợp khi được nối vào máy quạt. Một đèn chiếu mạnh phóng tia hồng ngoại thay thế cho ngôi sao sắt.
— Nhiệt độ… trọng lực… áp suất… độ bão hòa điện — người trợ lý đọc những chỉ số của các khí cụ.
Nửa giờ sau, Gơ-rim Sa quay về phía hai nhà du hành vũ trụ.
— Ta vào phòng nghỉ đi. Không thể đoán trước lúc nào những nang đó sống lại. Nếu giả thuyết của Ê-ôn là đúng thì điều đó cũng chóng thôi. Những người trực sẽ báo cho chúng ta.
Viện dòng điện thần kinh được xây dựng cách xa khu người ở, nó ở ven một thảo nguyên cấm. Vào cuối mùa hè, đất trở nên khô, và gió bay về phương xa, cuốn theo tiếng loạt soạt đặc biệt đột nhập vào những cửa sổ mở cùng với mùi thơm thoang thoảng của cỏ bị mặt trời làm cho khô héo.
Ba nhà nghiên cứu ngồi lọt thỏm trong những chiếc ghế bành thuận tiện, chẳng nói năng gì, chốc chốc lại nhìn ra cửa sổ, phóng tầm mắt qua phía trên những ngọn cây cành lá rườm rà, ngắm làn không khí nóng rung rinh ở chân trời xa. Đôi lúc, có người nhắm cặp mắt mệt mỏi, nhưng sự chờ đợi quá căng thẳng làm cho họ không ngủ được chút nào. Lần này, số phận không thử thách tính kiên nhẫn của các nhà bác học. Thời gian trôi qua chưa đầy ba giờ thì màn ảnh liên lạc trực tiếp đã bừng sáng. Người trợ lý trực phải khó khăn lắm mới giữ được bình tĩnh.
— Cái nắp động đậy: Trong khoảnh khắc, cả ba người đã ở trong phòng thí nghiệm.
— Đóng kín buồng ru-pho-lu— xít, kiểm tra độ kín! — Gơ-rim Sa ra lệnh — Chuyển điều kiện của hành tinh vào buồng.
Tiếng xì xì nhè nhẹ của những máy bơm khỏe, tiếng rít của những máy cân bằng áp suất, thế là bên trong cái lồng trong suốt đã có khí quyển của thế giới bóng tối.
— Tăng độ ẩm và làm bão hòa điện — Gơ-rim Sa tiếp tục chỉ huy.
Mùi ô-dôn gay gắt lan ra trong phòng thí nghiệm. Không có chuyển biến gì. Nhà bác học cau mày đưa mắt nhìn các khí cụ và cố nghĩ xem đã bỏ sót cái gì.
— Cần có bóng tối! — Tiếng nói rành rẽ của Éc-gơ No-rơ bỗng vang lên..
Ê-ôn Tan nhảy cẫng lên.
— Làm sao tôi có thể quên được kia chứ! Gơ-rim Sa, anh chưa ở trên ngôi sao sắt, nhưng còn tôi…
— Những cánh cửa phân cực! — Nhà bác học nói, thay cho câu trả lời.
Ánh sáng tắt. Phòng thí nghiệm chỉ còn ánh đèn của các khí cụ. Các trợ lý kéo những tấm rèm che kín bàn điều khiển, và tất cả chìm trong bóng tối. Đây đó nhấp nháy những điểm sáng hết sức mờ của các máy chỉ thị tự phát sáng.
Hơi thở của hành tinh đen phả vào mặt các nhà du hành vũ trụ, làm sống lại trong trí nhớ những ngày gian khổ, rùng rợn và hấp dẫn.
Mấy phút im lặng trôi qua, chỉ nghe thấy tiếng động do Ê-ôn Tan đang thận trọng điều chỉnh màn ảnh để nhận những tia hồng ngoại, màn ảnh này có tấm màn che phân cực ngăn cản việc hắt ánh sáng ra ngoài.
Một âm thanh yếu ớt và một tiếng va đập mạnh, cái nắp thùng đựng nước bên trong buồng kín bằng ru-pho-lu-xít đã rơi xuống. Ánh nhấp nháy quen thuộc của những đốm sáng màu nâu: đấy là những tay vòi của con quái vật màu đen đã xuất hiện trên rìa thùng. Bằng một cái nhảy bất ngờ, nó bay vọt lên trên, trải rộng ra như tấm chăn, khiến toàn bộ diện tích của buồng ru-pho-lu-xít đều bị bóng tối bao phủ, và nó va vào cái trần trong suốt. Hàng nghìn đốm sao màu nâu chảy thành dòng trên thân con sứa. Nó phồng lên thành hình bát úp, như bị thổi từ phía dưới, và con vật dùng chùm chân vòi đã chụm lại chống xuống đáy buồng. Quái vật thứ hai từ đáy thùng nhô lên, cũng là một bóng ma đen ngòm như thế. Những cử động nhanh và không tiếng động của nó khiến người ta bất giác cảm thấy sợ hãi. Nhưng ở đây, sau những bức tường vững chắc của buồng thí nghiệm mà xung quanh la liệt những khí cụ điều khiển được từ xa, những sản phẩm của hành tinh bóng tối không thể gây tác hại được.
Các khí cụ đo lường chụp ảnh, lượng định, vạch những đường cong phức tạp, phân tích cấu tạo của hai con quái vật thành những chỉ tiêu vật lý, hóa học và sinh vật học. Trí tuệ con người lại tổng hợp những số liệu khác loại ấy để nắm vững cấu tạo của những con vật chưa từng biết, kinh khủng ấy và bắt chúng phục tùng mình.
Cứ mỗi giờ trôi qua, Éc-gơ No-rơ lại càng tin chắc vào thắng lợi.
Ê-ôn Tan mỗi lúc một có vẻ vui sướng. Gơ-rim Sa và các trợ lý trẻ tuổi của anh trở nên náo nức hơn…
Cuối cùng nhà bác học tới gần Éc-gơ No-rơ.
— Anh có thể yên tâm ra về được đấy. Chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi nghiên cứu xong. Tôi không dám bật ánh sáng trông thấy ở đây, quái vật không có chỗ nào lẩn trốn ánh sáng đó như trên hành tinh. Mà chúng phải trả lời tất cả những gì chúng ta muốn biết.
— Và các anh sẽ biết được chứ?
— Ba bốn ngày nữa, kết quả nghiên cứu của chúng tôi sẽ hoàn toàn đầy đủ, tương ứng với trình độ kiến thức hiện nay của chúng ta. Nhưng ngay bây giờ, đã có thể hình dung được tác dụng của cơ cấu gây liệt là như thế nào.
— Và sẽ chữa được cho Nhi-da, cho Ê-ôn chứ?
— Nhất định!
Mãi đến lúc này, Éc-gơ No-rơ mới cảm thấy anh mang trong người một gánh nặng như thế nào kể từ cái ngày đen tối ấy, gọi là ngày hay đêm cũng vậy thôi! Niềm sung sướng cuồng loạn tràn ngập tâm hồn con người xưa nay vốn dè dặt này. Anh phải khó khăn lắm mới nén được ý muốn lố lăng là tung Gơ-rim Sa lên không, ôm ghì lấy nhà bác học nhỏ nhắn ấy mà lắc lấy lắc để. Éc-gơ No-rơ ngạc nhiên về chính bản thân mình, nhưng anh đã yên tâm và lát sau anh đã lấy được sự tập trung thường ngày.
— Công trình nghiên cứu của các bạn sẽ giúp rất nhiều cho việc đấu tranh với những con sứa và những cây thập tự trong chuyến thám hiểm sau này.
— Cố nhiên! Bây giờ chúng ta sẽ biết được kẻ thù. Nhưng người ta đang chuẩn bị thám hiểm lên thế giới của trọng lực và bóng tối đấy ư?
— Tôi hoàn toàn tin chắc như thế!
Ngày ấm áp của mùa thu phương Bắc vừa bắt đầu. Éc-gơ No-rơ đi không nhanh như thường lệ, đôi chân trần bước trên cỏ mềm. Phía trước, ở ven rừng, những cây tuyết tùng làm thành bức tường màu lục, xen lẫn với những cột khói xám mờ mờ. Ở đây, trong khu rừng cấm, con người không can thiệp vào thiên nhiên. Những bụi cỏ cao mọc hỗn độn, và một mùi đặc biệt do nhiều thứ mùi trái ngược của cỏ hoa quyện lẫn vào nhau, vừa dễ chịu, vừa nồng gắt, khiến cho khu vực này có một sức cám dỗ độc đáo.
Một con sông nhỏ mát lạnh cắt ngang đường. Éc-gơ No-rơ theo một con đường mòn đi xuống phía dưới. Trên làn nước trong suốt có tia nắng xuyên qua, những làn gợn nom như tấm lưới rung rinh, đan bằng những sợi vàng óng ánh quăng xuống lớp sỏi nhiều màu ở dưới đáy. Những cụm rong rêu khó nhận thấy trôi trong nước, tạo nên những vệt bóng xanh lơ lướt trên đáy sông. Bên kia sông, những bông hoa chuông rất lớn ngả theo chiều gió. Mùi đồng cỏ nhuốm hơi ẩm và mùi lá thu đỏ tía hứa hẹn đem đến cho con người niềm vui sướng trong lao động, vì trong góc tâm hồn mỗi người vẫn còn lưu giữ kinh nghiệm của người làm ruộng thời nguyên thủy.
Một con vàng anh lông vàng rực đậu xuống cành cây hót lên một điệu giễu cợt và đầy vẻ tự tin.
Bầu trời trong trẻo trên khu rừng tuyết tùng ngả sang màu trắng bạc vì những đám mây ti[65] xoè ra một chiếc cánh rộng. Éc-gơ No-rơ đi sâu vào khoảng rừng tranh tối tranh sáng bốc lên mùi lá tuyết tùng đăng đắng và mùi nhựa, vượt qua khoảng rừng đó và lên một quả đồi, vừa đi vừa lau mái đầu trần bị ướt. Khu rừng cấm xung quanh bệnh viện thần kinh không rộng, và chẳng mấy chốc Éc-gơ No-rơ đã ra con đường lớn. Con sông đổ vào một loạt bể chứa nước bằng thủy tinh màu trắng sữa, tạo nên một thác nước. Mấy người nam và nữ mặc quần áo tắm từ trong cổng chạy ra xa lao vùn vụt trên con đường giữa những hàng hoa sặc sỡ.
Nước mùa thu hẳn là không ấm, nhưng họ cười đùa khuyến khích nhau, nhảy ùa xuống bể và cùng nhau vui vẻ bơi xuôi dòng thác. Éc-gơ No-rơ bất giác mỉm cười. Ở nơi nào đó tại một nhà máy hay một trang trại địa phương, giờ nghỉ đã bắt đầu…
Éc-gơ No-rơ đã sống phần lớn cuộc đời mình trong con tàu vũ trụ chật hẹp, chưa bao giờ anh cảm thấy hành tinh thân yêu đẹp như bây giờ. Trong lòng Éc-gơ No-rơ tràn ngập tình cảm biết ơn vô hạn đối với tất cả mọi người, đối với thiên nhiên Trái đất, đối với tất cả những gì đã góp phần vào việc cứu Nhi-da. Hôm nay, chính cô đến đón anh trong khu vườn của bệnh viện! Sau khi đã trao đổi ý kiến với các thầy thuốc, hai người quyết định cùng đi an dưỡng ở vùng cực. Ngay sau khi phá vỡ được trạng thái tê liệt bằng cách trừ bỏ ức chế bền vững trong vỏ não do dòng điện ở tay vòi của cây thập tự đen gây nên, Nhi-da đã hoàn toàn mạnh khỏe. Chỉ cần khôi phục lại nghị lực trước kia của cô sau một giấc ngủ toàn thân cứng đờ, kéo dài lâu như thế. Nhi-da vẫn sống, Nhi-da khỏe mạnh! Éc-gơ No-rơ có cảm giác rằng không bao giờ anh có thể nghĩ tới điều đó mà không vui sướng phấn chấn trong lòng.
Anh thấy một phụ nữ từ chỗ đường rẽ đi nhanh về phía anh. Anh có thể nhận ra chị giữa hàng nghìn người: Vê-đa Công. Trước kia, Vê-đa đã làm anh bận tâm biết bao nhiêu, cho đến khi anh thấy rõ được là hai người đi những con đường khác nhau. Vốn đã quen với những biểu đồ của máy tính, Éc-gơ No-rơ hình dung thấy một vòng cung dựng đứng vươn lên trời biểu thị chí hướng của anh, còn con đường sống và sáng tạo của Vê-đa là con đường bay lượn trên hành tinh, đi sâu vào những thế kỷ đã qua. Hai tuyến tách rời nhau, mỗi lúc một xa nhau.
Khuôn mặt của Vê-đa, khuôn mặt mà Éc-gơ No-rơ quen thuộc đến từng nét nhỏ, bỗng nhiên anh sửng sốt, vì nó giống Nhi-da quá. Nó cũng dài dài hình trái xoan như thế, với đôi mắt cách nhau xa và vừng trán cao, với đôi lông mày dài cong vút lên, cái miệng rộng cũng đượm vẻ giễu cợt trìu mến như thế. Ngay cả mũi hai người cũng giống nhau như đúc: hơi hếch, dài và đầu mũi hơi tròn. Có điều Vê-đa bao giờ cũng nhìn thẳng và trầm ngâm, còn cái đầu nhỏ nhắn và bướng bỉnh của Nhi-da thường ngẩng cao với vẻ hăm hở trẻ trung.
— Anh quan sát tôi ư? — Vê-đa ngạc nhiên.
Chị giơ cả hai tay về phía Éc-gơ No-rơ, và anh áp hai bàn tay ấy vào má mình. Vê-đa giật mình, rụt tay lại. Nhà du hành vũ trụ hơi nhếch mép cười.
— Tôi muốn cảm ơn đôi tay đã săn sóc Nhi-da… Cô ấy… Tôi biết hết cả rồi! Cần phải thường xuyên túc trực, và chị đã từ bỏ chuyến thám hiểm thú vị. Hai tháng trời…
— Không phải là từ bỏ, mà là tạm hoãn để chờ «Tan-tơ-ra». Đằng nào thì cũng muộn rồi, sau nữa là cô ấy rất đáng yêu. Nhi-da của anh ấy mà! Bề ngoài thì chúng tôi nom giống nhau, nhưng cô ấy là người bạn gái thực sự của người chiến thắng vũ trụ và chiến thắng những ngôi sao sắt. Cô ấy say mê bầu trời và chung thủy…
— Vê-đa!
— Tôi không nói đùa đâu, Éc-gơ ạ! Anh cảm thấy lúc này chưa phải là lúc đùa chứ gì? Cần làm sáng tỏ mọi việc.
— Tôi thì tôi thấy rõ hết rồi! Nhưng tôi cảm ơn chị không phải nhân danh tôi, mà nhân danh Nhi-da…
— Đừng cảm ơn! Tôi sẽ gặp khó khăn, nếu như anh mất Nhi-da…
— Tôi hiểu, nhưng tôi không tin, vì tôi biết Vê-đa Công là người hoàn toàn xa lạ với lối tính toán như thế. Và tình cảm biết ơn vẫn còn nguyên vẹn trong lòng tôi.
Éc-gơ No-rơ vuốt bên vai thiếu phụ và đặt những ngón tay lên kheo tay chị. Họ đi bên nhau trên con đường vắng vẻ và im lặng, cho đến khi Éc-gơ No-rơ lại nói: — Anh ấy là ai, con người chân chính ấy?
— Đa-rơ Vê-te.
— Cựu chủ nhiệm các trạm liên lạc ngoài Trái đất phải không? Ra thế đấy!
— Éc-gơ, anh nói những lời vô nghĩa. Tôi không nhận ra anh nữa…
— Tôi đã đổi khác, cố nhiên… Nhưng tôi chỉ hình dung Đa-rơ Vê-te theo công việc anh ấy đảm nhiệm và tôi nghĩ rằng anh ấy cũng là người mơ vũ trụ.
— Đúng thế. Một người mơ ước thế giới của các vì sao, nhưng biết kết hợp những ngôi sao với lòng yêu Trái đất của người làm ruộng cổ xưa. Một người có đôi tay to lớn của người thợ cả bình thường.
Éc-gơ No-rơ bất giác nhìn bàn tay hẹp bản của mình với những ngón tay dài cứng cáp như ngón tay nhà toán học và nhạc công.
— Vê-đa, giá chị biết lúc này tôi yêu mến Trái đất biết dường nào!…
— Sau khi đã ở trong thế giới của bóng tối và sau một thời gian dài trên đường với Nhi-da bị liệt phải không? Cố nhiên là thế! Nhưng…
— Tình yêu ấy không phải là cơ sở của đời tôi chứ gì?
— Chính thế! Anh là người anh hùng chân chính, vì thế không bao giờ biết chán chiến công.
Anh mang tình yêu ấy như mang cái chén đầy tràn, chỉ sợ làm rơi một giọt xuống Trái đất.
Anh giữ gìn tình yêu ấy cho vũ trụ. Nhưng cũng là để phục vụ Trái đất!
— Vê-đa, nếu là thời Trung cổ thì chị sẽ bị thiêu trên dàn lửa!
— Tôi cũng đã được nghe nói như thế nhiều lần rồi… Đây là chỗ rẽ rồi. Một chiếc giầy của anh đâu, Éc-gơ?
— Tôi bỏ lại trong vườn lúc ra gặp chị. Tôi phải quay lại thôi.
— Tạm biệt, Éc-gơ. Việc của tôi đến đây đã xong, bây giờ đến chuyện của anh. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu. Hay chỉ trước khi con tàu mới cất cánh?
— Không, không, Vê-đa ạ! Tôi với Nhi-da sẽ đến an dưỡng đường vùng cực, ở đấy ba tháng. Chị hãy đến với chúng tôi, đưa cả Đa-rơ Vê-te đến.
— An dưỡng đường nào? «Trái tim đá» ở bờ biển bắc Xi-bia chăng? Hay là «Lá mùa thu» ở I-xơ-lăng?
— Đến vòng bắc cực bây giờ thì muộn rồi. Chúng tôi sẽ được đưa đến bán cầu nam, ở đấy sắp bắt đầu mùa hè. «Bình minh trắng» trên đất của Gơ-ra-ham.
— Tốt thôi, Éc-gơ ạ. Nếu như Vê-te không phải đi ngay để khôi phục vệ tinh 57. Có lẽ còn phải chuẩn bị vật liệu đã…
— Con người Trái đất của chị thật là tuyệt: sẽ ở trên trời gần một năm!
— Đừng khéo vờ. Đấy là bầu trời gần nhất so với những khoảng không gian vô tận ngăn cách chúng ta.
— Chị có tiếc không, Vê-đa?
— Anh hỏi làm gì, Éc-gơ? Trong mỗi người chúng ta có hai nửa: một nửa hăm hở vươn tới cái mới, nửa kia gìn giữ cái cũ và sung sướng trở về với cái cũ. Anh biết điều đó và cũng biết rằng việc trở về không bao giờ đạt được mục đích.
— Nhưng vẫn cứ tiếc… như vòng hoa trên mộ người thân. Hôn tôi đi, Vê-đa thân mến!
Thiếu phụ chiều theo ý anh, xong chị khẽ đẩy nhà du hành vũ trụ ra và đi nhanh về phía con đường chính: đấy là tuyến đường ô-tô điện. Éc-gơ No-rơ nhìn theo chị cho đến khi người máy lái xe dừng lại và chiếc áo dài màu đỏ của Vê-đa biến mất sau cái cửa trong suốt.
Vê-đa cũng nhìn qua kính, không rời mắt khỏi cái hình dáng ngây ra như tượng của Éc-gơ No-rơ. Những vần thơ ám ảnh cứ vang lên trong tâm trí chị: đấy là đoạn điệp khúc trong bài thơ của một thi sĩ ở kỷ nguyên Thế giới Chia rẽ, đoạn thơ mà mới đây Ác-cơ Ghi-rơ đã dịch sang tiếng của kỷ nguyên Vành-khuyên và phổ nhạc. Có lần, Đa-rơ Vê-te đã đọc cho chị nghe để đáp lại một lời trách móc âu yếm của chị:
Cả những thiên thần trên trời cao
Đến những ma quỷ dưới vực thẳm nào
Cũng không bao giờ có thể
Chia rẽ tâm hồn tôi
Với tâm hồn đầy sức quyến rũ
Của người tôi yêu: An-na-ben Li!
Đấy là lời của một người đàn ông đời xưa thách thức những lực lượng đáng sợ của thiên nhiên đã cướp mất người yêu của mình. Người đàn ông ấy không cam lòng chịu sự mất mát và không muốn để số phận tước đoạt của mình một cái gì.
Ô-tô điện tới gần nhánh của đường xoáy ốc, nhưng Vê-đa vẫn đứng bên cửa sổ, tay nắm chặt hàng tay vịn nhẵn bóng và khe khẽ hát bài tình ca tuyệt diệu chứa chan một nỗi buồn trong sáng.
«Thuở xưa, những tín đồ tôn giáo châu Âu gọi những linh hồn tưởng tượng trên thượng giới là thiên thần, đấy là những sứ giả truyền đạt ý muốn của Thượng đế. Theo ngôn ngữ cổ Hy-lạp, thiên thần có nghĩa là «sứ giả». Một từ đã bị quên lãng từ nhiều thế kỷ trước».
Đến ga, Vê-đa chợt tỉnh, tạm quên những ý nghĩ ấy, nhưng khi đã ở trong toa xe của Đường Xoáy ốc, chị lại trở về với dòng suy tưởng ban nãy.
— Những sứ giả của bầu trời, của vũ trụ. Có thể gọi cả Éc-gơ No-rơ, cả Mơ-ven Ma-xơ, cả Đa-rơ Vê-te như vậy. Đặc biệt là Đa-rơ Vê-te, khi anh sẽ ở trên bầu trời gần, bầu trời của Trái đất, để xây dựng vệ tinh… — Vê-đa mỉm cười tinh nghịch — Nhưng khi đó thì ma quỉ chính là những nhà sử học chúng ta — chị nói to, lắng nghe tiếng nói của mình và phá lên cười vui vẻ — phải, đúng thế, những thiên thần và ma quỉ của vực thẳm! Nhưng chưa chắc Đa-rơ Vê-te đã thích lối ví von ấy!…
Những cây tuyết tùng thấp lá đen rì rào một cách trang nghiêm và nhịp nhàng trước trận gió không lúc nào ngớt (loại tuyết tùng này được gây giống để trồng ở vùng phụ cận châu Nam cực). Không khí lạnh và đặc sánh chảy như con sông nước xiết. Nó có cái vẻ trong sạch và tươi mát mà chỉ riêng không khí của đại dương bao la hay của núi cao mới có. Nhưng ở trong núi, vì tiếp xúc với tuyết đông quanh năm nên gió thường khô, lạnh buốt như rượu nho nổi bọt lóng lánh. Ở đây ta cảm thấy hơi thở của đại dương là một cái vuốt nhẹ bỗng, làm cho cơ thể nhuốm hơi ẩm.
Khu an dưỡng «Bình minh trắng» đỗ thoai thoải xuống biển, dàn thành nhiều tầng xung quanh có tường kính bao bọc. Dạng tròn của những bức tường ấy khiến ta tưởng như trước mắt là những tàu biển khổng lồ. Ban ngày, màu hồng nhạt của những khoảng tường, của cầu thang và những cột đứng tương phản gay gắt với những khối đá an-đê-hít chỏm tròn màu tím thẫm. Những dải đường nhỏ bằng xi-ê-nít nóng chảy màu xám pha sắc xanh nom như những vết khía trên đá. Nhưng lúc này, đêm bắc cực cuối mùa xuân làm cho tất cả các màu đều phải nhòa đi trong ánh sáng trắng nhờ nhờ đặc biệt của nó, thứ ánh sáng trắng dường như phát ra từ đáy sâu của bầu trời và của biển. Mặt trời lẩn xuống sau bình sơn nguyên phía nam trong thời gian khoảng một giờ. Ở phía ấy, một vừng hào quang tráng lệ nhô lên làm thành chiếc cầu vồng rộng, choán hết phần phía nam bầu trời. Đấy là ánh phản chiếu từ những khối băng hùng mạnh của châu Nam-cực hắt lên. Ý chí của con người đã đẩy lùi những khối băng vẫn còn đông trên cái bướu cao ở nửa phía đông lục địa, chỉ để lại một phần tư lớp vỏ băng khổng lồ trước kia. Bình minh trắng của băng — tên trại an dưỡng đường là do đó mà ra — đã biến mọi cảnh vật xung quanh thành một thế giới hư ảo của ánh sáng nhạt không có bóng và ánh phản chiếu.
Bốn người đi chầm chậm về phía đại dương theo con đường sứ ánh bạc. Mặt những người đàn ông đi sau nom như đẽo bằng đá hoa cương xám, những cặp mắt to của hai người đàn bà trở nên sâu thăm thẳm và huyền bí.
Nhi-da Cờ-rít áp mặt vào cổ chiếc áo choàng lông thú của Vê-đa Công, nói với vẻ xúc động, bày tỏ sự bất đồng ý kiến của mình với nhà bác học. Hơi tỏ vẻ ngạc nhiên, Vê-đa nhìn chằm chằm vào cô gái hao hao giống mình.
— Tôi cho rằng món quà quý nhất mà người phụ nữ có thể tặng cho người yêu của mình là tái tạo lại người yêu, bằng cách ấy làm cho người yêu tồn tại lâu hơn. Như vậy thì cũng gần như bất tử!
— Đàn ông họ có nhận định khác về chúng ta — Vê-đa đáp — Đa-rơ Vê-te đã nói với tôi rằng anh ấy không muốn con gái của anh ấy quá giống người vợ yêu của mình. Anh ấy khổ tâm khi nghĩ rằng mình sẽ rời bỏ thế giới, để lại người yêu không có tình yêu và sự âu yếm của anh ấy đùm bọc, phó mặc người yêu cho số phận mà anh ấy không biết là sẽ ra sao… Đấy là tàn dư của tính ghen tuông và thói quen che chở.
— Nhưng tôi không thể chịu đựng nổi khi nghĩ rằng tôi phải xa rời đứa bé do chính tôi sinh ra — Nhi-da nói tiếp, cô vẫn bị những ý nghĩ riêng thu hút — Hết thời kỳ cho bú là trao nó cho người ta dạy dỗ!
— Tôi hiểu, nhưng tôi không đồng ý — Vê-đa chau mày, dường như cô bạn gái đụng đến sợi dây tình cảm dễ đau nhất trong tâm hồn chị — Một trong những nhiệm vụ to lớn nhất của nhân loại là chiến thắng bản năng mù quáng của người làm mẹ. Phải hiểu rằng chỉ có cách giáo dục trẻ con trong tập thể, dưới sự lãnh đạo của những người được tuyển lựa và huấn luyện đặc biệt thì mới có thể tạo nên con người của xã hội ta. Bây giờ không có thứ tình mẹ gần như điên cuồng như thời xưa. Mỗi người mẹ đều biết rằng toàn thế giới thương yêu con mình, thứ tình cảm nảy sinh từ nỗi lo sợ thú vật về con mình, sẽ biết mất.
— Điều đó thì tôi hiểu — Nhi-da nói — nhưng hiểu bằng trí óc.
— Còn tôi thì tôi cảm thấy một cách thấu triệt bằng tất cả tâm hồn rằng bây giờ bất cứ người nào ở bất cứ lứa tuổi nào, cũng có thể có được cái hạnh phúc lớn lao nhất là đem lại niềm vui dướng cho người khác. Trong các xã hội trước đây, hạnh phúc đó chỉ dành cho những bậc cha mẹ, ông bà, và nhất là cho người mẹ… Lúc nào cũng phải ở cạnh con để làm gì kia chứ, chẳng qua là tàn tích của cái thời mà phụ nữ bị bắt buộc phải sống quẩn quanh ở một chỗ và không thể luôn luôn đi cùng với người yêu của mình. Còn anh chị thì sẽ luôn luôn ở bên nhau, chừng nào hai người còn yêu nhau…
— Tôi không biết, nhưng đôi khi tôi tha thiết muốn thấy bên cạnh mình một sinh vật nhỏ xíu giống anh ấy, niềm mong muốn ấy mãnh liệt đến nỗi tôi bất giác bóp chặt hai tay… ồ không, tôi chẳng biết gì cả.
— Có Đảo của những bà mẹ đấy, đảo Gia-va. Tất cả những người nào muốn tự mình giáo dục con thì đến ở đấy.
— Ồ không, tôi không thể trở thành cô giáo dạy trẻ như những người đặc biệt yêu trẻ hiện đang làm. Tôi cảm thấy mình tràn trề sức lực và tôi đã một lần ở trong vũ trụ…
Vê-đa trở nên dịu dàng hơn.
— Chị là hiện thân của tuổi trẻ, Nhi-da ạ, và không phải chỉ về mặt thể lực. Cũng như tất cả những người rất trẻ, khi va chạm với những mâu thuẫn của cuộc sống, chị không hiểu rằng những mâu thuẫn ấy chính là cuộc sống, và niềm vui sướng của tình yêu nhất thiết phải đem lại những lo lắng, những mối bận tâm và đau xót, mà những cái đó càng mạnh thì tình yêu càng mạnh. Nhưng chị lại tưởng rằng vấp phải một đòn đầu tiên của cuộc sống là sẽ mất hết…
Vừa dứt lời, Vê-đa chợt hiểu ra. Không, nguyên nhân của những mối lo ngại và những khát vọng của Nhi-da không phải chỉ là tuổi trẻ của cô.
Vê-đa đã rơi vào một sai lầm mà nhiều người thường mắc phải, sai lầm vì cho rằng những vết thương của tâm hồn cũng lành mau như vết thương của cơ thể. Hoàn toàn không phải thế! Vết thương của tâm hồn được giấu kín trong một cơ thể khỏe mạnh vẫn còn tồn tại rất lâu, và có thể bộc lộ ra một cách bất ngờ, đôi khi vì một lý do hết sức nhỏ nhặt. Đối với Nhi- da cũng thế: năm năm bị liệt, dù là hoàn toàn vô tri vô giác, cũng vẫn để lại dấu vết trong tất cả các tế bào của cơ thể, chưa kể nỗi khiếp sợ khi gặp cây thập tự khủng khiếp suýt giết chết Éc-gơ No-rơ…
Đoán được hướng suy nghĩ của Vê-đa, Nhi-da nói, giọng lắng xuống.
— Sau khi ở ngôi sao sắt về, một cảm giác kỳ lạ không lúc nào buông tha tôi. Ở một góc nào đó trong tâm hồn vẫn có một khoảng trống đáng lo ngại. Nó tồn tại cùng với niềm vui sướng đầy lòng tin vững chắc và cũng với sức mạnh tràn trề, nó không loại trừ những yếu tố đó, nhưng bản thân nó cũng không mất đi. Tôi chỉ có thể đấu tranh với nó khi có cái gì hoàn toàn lôi cuốn tôi, không để cho tôi một mình đương đầu với nó… Bây giờ thì tôi biết thế nào là vũ trụ đối với con người đơn độc, và tôi càng tôn sùng những người anh hùng đầu tiên mở đường vào vũ trụ.
— Có lẽ tôi hiểu được — Vê-đa đáp — Tôi đã từng ở trên những đảo nhỏ lọt thỏm giữa đại dương thuộc vùng Pô-li-nê-di. Ở đấy, trong những giờ cô độc trước biển cả, tâm hồn ta tràn ngập một nỗi buồn vô tận, như bài ca sầu não hòa tan vào khoảng xa tẻ nhạt. Hẳn là kỷ niệm xưa về tình trạng cô đơn nguyên thủy của ý thức nói với con người rằng trước kia, con người yếu đuối và thảm thương biết bao trong cái xà lim tâm hồn của mình. Chỉ có lao động tập thể và những ý nghĩ chung mới có thể cứu vãn ta khỏi tình trạng đó: một con tàu đang đến, nom còn nhỏ hơn hòn đảo, nhưng đại dương mênh mông không còn như trước nữa. Một nhóm người và một con tàu, đấy đã là một thế giới đặc biệt đang hăm hở đi vào những khoảng xa mà nó có thể tới được và chinh phục được. Con tàu vũ trụ cũng vậy. Chị ở trong đó cùng với những người bạn dũng cảm và có sức mạnh! Nhưng sự cô độc trước vũ trụ… — Vê-đa rùng mình — Con người không dễ gì chịu đựng nổi.
Nhi-da càng áp sát vào Vê-đa hơn nữa.
— Chị nói đúng biết bao, Vê-đa! Vì thế tôi muốn ngay lập tức…
— Nhi-da, tôi mến chị. Bây giờ tôi thông cảm hơn với ý định của chị. Trước đây tôi cho như thế là điên rồ.
Nhi-da lặng lẽ siết chặt tay Vê-đa và áp mũi vào bên má lạnh đi vì gió của chị.
— Nhưng chị có chịu đựng nổi không, Nhi-da? Quả là khó khăn quá sức tưởng tượng!
— Chị nói về khó khăn gì kia, Vê-đa? — Nghe thấy câu cuối cùng của Vê-đa, Éc-gơ No-rơ quay lại — chị và Đa-rơ Vê-te đã bàn tính với nhau rồi phải không? Suốt nửa giờ, anh ấy cứ thuyết phục tôi nên ở lại để truyền thụ kinh nghiệm du hành vũ trụ của tôi cho thanh niên, chứ không nên tham gia chuyến bay không có ngày trở về.
— Vậy thì thế nào, anh ấy thành công chứ?
— Không. Kinh nghiệm du hành vũ trụ của tôi còn cần thiết hơn cho việc đưa «Thiên-nga» đến đích, đến nơi kia — Éc-gơ No-rơ chỉ lên bầu trời sáng sủa không có sao, nơi mà ngôi sao A-chê-na chói lọi phải rực sáng ở phía dưới. Đám mây Ma-gien-lăng nhỏ, dưới Đỗ-quyên và sao Giao-long, — cần phải đưa con tàu đến ngôi sao ấy theo con đường mà chưa con tàu nào của vũ trụ hay của Vành-khuyên từng đi qua!
Éc-gơ No-rơ vừa dứt lời thì sau lưng anh đã sáng bừng lên: Mặt trời vừa ló ra. Những tia sáng Mặt trời quét sạch tất cả vẻ bí mật của bình minh trắng.
Bốn người bạn đến gần biển. Đại dương tỏa hơi lạnh, ném lên bờ biển dốc thoai thoải những loạt sóng không có bọt — sóng tròn đầu nặng nề của châu Nam-cực dữ tợn.
Vê-đa Công tò mò nhìn làn nước màu thép đang sẫm nhanh lại ở chỗ sâu và có màu băng tím nhạt dưới ánh nắng của vầng mặt trời thấp.
Nhi-da Cờ-rít đứng cạnh Vê-đa. Cô mặc chiếc áo khoác ngắn bằng da lông thú màu da trời, đội chiếc mũ tròn nhỏ cũng bằng loại da như thế, dưới mũ thòi ra mớ tóc màu hung sẫm. Theo thói quen, cô gái hơi ngước đầu lên. Đa-rơ Vê-te bất giác ngắm cô và nheo mắt.
— Vê-te, anh không ưa Nhi-da ư? — Vê-đa Công kêu lên, vờ làm ra vẻ phẫn nộ.
— Chị thừa biết rằng tôi hâm mộ chị ấy — Đa-rơ Vê-te cau có trả lời — nhưng lúc này tôi có cảm giác là chị ấy nhỏ nhắn và mảnh dẻ quá so với…
— So với người đang chờ tôi chứ gì? — Nhi-da hỏi với vẻ khiêu khích — Bây giờ anh lại thôi tấn công Éc-gơ và chuyển sang tấn công tôi phải không?
— Tôi hoàn toàn không có ý định như thế — Đa-rơ Vê-te đáp với vẻ nghiêm trang và buồn rầu — nhưng sự buồn rầu của tôi là tự nhiên. Một tạo vật xinh đẹp của Trái đất mà tôi yêu mến sẽ mất tích trong những vực thẳm của vũ trụ đầy bóng tối và lạnh kinh người. Đấy không phải là thương hại, mà là buồn trước sự mất mát.
— Anh cũng cảm thấy như tôi — Vê-đa đồng ý — một đốm lửa chói sáng của sự sống là Nhi- da và không gian băng giá không sinh khí!
— Tôi có vẻ là một bông hoa nhỏ mỏng manh ư? — Nhi-da hỏi. — Giọng nói lạ lùng của cô khiến Vê-đa không dám xác nhận điều đó ngay.
— Ai là người mê thích đấu tranh với cái lạnh hơn tôi nào? — Cô gái bỏ mũ, lắc mớ tóc xoăn màu hung, cởi áo khoác.
— Chị làm gì thế, Nhi-da? — Vê-đa Công là người đầu tiên đoán ra và đâm bổ đến gần cô gái du hành vũ trụ.
Nhưng Nhi-da chạy như bay lên khối đá lơ lửng trên sóng, và trao xống áo của mình cho Vê-đa.
Sóng lạnh đón lấy Nhi-da, và Vê-đa rùng cả mình khi tưởng tượng đến cái cảm giác do chuyến tắm như thế đem lại. Nhi-da bình tĩnh bơi ra xa hơn, lao vọt về phía trước, xuyên qua những làn sóng. Khi lướt lên ngọn một con sóng, cô vẫy những người trên bờ, thách thức họ theo mình.
Vê-đa Công nhìn theo cô với vẻ thán phục.
— Vê-te, Nhi-da không phải là người bạn gái của Éc-gơ No-rơ, mà là bạn gái của con gấu Bắc-cực mới đúng. Anh là người phương bắc mà chịu thua sao?
— Tôi gốc gác là người phương bắc, nhưng lại thích những biển ấm nhiều hơn — Đa-rơ Vê- te nói vẻ than thở, miễn cưỡng đến gần chỗ sóng chồm lên bờ.
Anh cởi quần áo, khỏa thân xuống nước, kêu lên một tiếng «úi!» và lao mình vào làn sóng thép đang xô tới. Sải ba cái dài, anh bay lên ngọn một con sóng và trượt xuống cái rãnh tối của con sóng thứ hai. Uy tín của Đa-rơ Vê-te được cứu vãn chỉ là nhờ công phu tập luyện lâu năm và thói quen tắm quanh năm, vào bất cứ mùa nào. Hơi thở anh nghẽn lại, những vòng tròn màu đỏ hoa lên trong mắt. Bằng mấy lần lặn hụp và nhảy lên một cách đột ngột, anh lại thở được bình thường. Thân thể tím ngắt, rét run, anh bơi vào bờ và chạy nhanh lên dốc cùng với Nhi-da. Mấy phút sau, họ đã khoan khoái hưởng cái cảm giác ấm áp trong bộ áo lông thú. Ngay cả làn gió rét dường như cũng mang theo hơi thở của những biển san hô.
Vê-đa thì thầm: — Càng biết rõ chị hơn thì tôi càng tin chắc rằng Éc-gơ No-rơ chọn không lầm. Hơn bất cứ ai khác, chị sẽ động viên anh ấy trong lúc khó khăn, chị sẽ đem lại niềm vui cho anh ấy, sẽ giữ gìn được anh ấy…
Đôi má không bắt nắng của Nhi-da đỏ lựng lên.
Trong bữa ăn sáng trên cái sân thềm cao bằng thủy tinh rung chuyển trước gió, Vê-đa thường gặp cái nhìn đăm chiêu trìu mến của cô gái. Cả bốn người đều im lặng như người ta thường làm trước cuộc chia ly lâu dài.
— Thật là đau lòng khi quen biết những người như thế mà lại phải chia tay ngay — Đa-rơ Vê- te chợt kêu lên.
— Có lẽ anh… — Éc-gơ No-rơ lên tiếng.
— Thời gian nghỉ của tôi đã hết. Đã đến lúc lên trời. Gơ-rôm Oóc-mơ đang chờ tôi.
— Tôi cũng đến lúc phải đi rồi — Vê-đa nói thêm — Tôi sẽ xuống cái vực thẳm của tôi: cái hang mới khám phá gần đây, nơi cất giấu nhiều đồ vật của kỷ nguyên Thế giới Chia rẽ.
— «Thiên nga» sẽ sẵn sàng vào giữa sang năm, sáu tuần nữa chúng tôi sẽ bắt đầu công việc chuẩn bị — Éc-gơ No-rơ khẽ nói — Hiện giờ ai phụ trách các trạm liên lạc ngoài Trái đất?
— I-u-nhi An-tơ, nhưng anh ấy không muốn xa rời những máy nhớ của mình và Hội đồng chưa phê chuẩn người mới được đề cử là Em-bơ Ông, kỹ sư vật liệu của nhà máy phát động lực F ở La-bơ-ra-đo.
— Tôi không biết anh ấy.
— Anh ấy ít được biết đến, vì ở Viện hàm lâm giới hạn của kiến thức, anh ấy nghiên cứu những vấn đề cơ học sóng mê-ga.
— Nó là cái gì?
— Những nhịp điệu cực lớn của vũ trụ: những sóng khổng lồ, truyền bá chậm trong không gian. Chúng là biểu hiện những mâu thuẫn của các tốc độ ánh sáng ngược chiều nhau, những tốc độ này cho những giá trị tương đối lớn hơn đơn vị tuyệt đối… Nhưng tất cả những cái đó hoàn toàn chưa được nghiên cứu kỹ…
— Còn Mơ-ven Ma-xơ?
— Anh ấy đang viết cuốn sách về những cảm xúc. Anh ấy cũng có một ít thời gian riêng: Viện hàn lâm đoán trước tương lai cử anh ấy làm cố vấn về chuyến bay «Thiên nga» của anh.
Thu thập xong tài liệu là anh ấy phải tạm gác cuốn sách lại.
— Đáng tiếc! Đề tài thật quan trọng. Đã đến lúc phải hiểu đúng ý nghĩa thực tế và sức mạnh của cảm xúc. — Éc-gơ No-rơ nói.
— Tôi e rằng Mơ-ven Ma-xơ không đủ khả năng phân tích một cách lạnh lùng — Vê-đa nói.
— Cần phải như thế, nếu không thì anh ấy sẽ không viết nổi một cái gì xuất sắc. — Đa-rơ Vê- te phản đối và đứng lên để từ biệt.
— Hẹn gặp lại! Anh hoàn thành công việc của anh chong chóng lên, kẻo chúng ta sẽ không gặp được nhau — Nhi-da và Éc-gơ chìa tay ra.
— Nhất định sẽ gặp — Đa-rơ Vê-te hứa chắc — cùng lắm thì ta sẽ gặp nhau ở hoang mạc En Hôm-ra, trước khi con tàu khởi hành.
— Cũng được — hai nhà du hành vũ trụ đồng ý.
— Ta đi thôi, vị thiên thần của bầu trời — Vê-đa Công khoác tay Đa-rơ Vê-te, vờ làm ra vẻ không để ý đến cái nếp nhăn giữa cặp lông mày của anh — Chắc anh chán Trái đất rồi phải không?
Đa-rơ Vê-te choãi rộng chân, đứng trên cái nền tròng trành của bộ khung mà họ đã tốn bao công sức mới ghép lại được và anh nhìn xuống dưới, xuống cái vực thẳm đáng sợ giữa những lớp mây đã tản ra. Từ đây, qua khoảng cách bằng năm lần đường kính Trái đất, người ta vẫn cảm thấy một cách sắc bén rằng hành tinh của chúng ta thật là to lớn. Nó phô ra những đường viền màu xám ngoằn ngoèo của các lục địa và những đường viền màu tím thẫm của biển.
Đa-rơ Vê-te nhận ra những hình thể quen thuộc từ thuở ấu thơ qua những bức ảnh chụp từ các vệ tinh. Kia là một đường lõm với những dải núi vắt ngang đang tối sẫm lại. Bên phải là một mặt biển lấp lánh, còn ngay dưới chân là một thung lũng hẹp giáp chân núi. Hôm nay anh gặp may: mây hé ra ngay trên khu vực mà hiện giờ Vê-đa đang ở và làm việc tại đấy.
Trong khu vực ấy, dưới chân những bậc thẳng đứng của những trái núi màu gang xám, có một cái hang cổ gồm nhiều tầng rộng thênh thang chui sâu vào lòng đất. Ở đấy, Vê-đa đang lục lọi những di vật của đời sống quá khứ của loài người để lọc lấy những mẩu của sự thật lịch sử mà thiếu nó thì không thể hiểu được hiện tại, cũng không thể thấy trước được tương lai.
Từ trên cái nền làm bằng những tấm đồng pha zir-cô-ni có nếp gợn, Đa-rơ Vê-te cúi xuống, thầm gửi lời chào cái điểm mà anh đoán phỏng là ở chỗ ấy, cái điểm ẩn dưới những đám mây hình túm lông sáng lòa từ phía tây dồn tới. Ở dưới ấy, bóng đêm dựng lên như một bức tường lốm đốm những ngôi sao lấp lánh. Những tầng mây nhô ra nom như những chiếc mảng khổng lồ, cái nọ lơ lửng bên trên cái kia. Dưới những lớp mây ấy, trong cái vực đang tối lại, bề mặt Trái đất chui xuống dưới bức tường bóng tối, như vĩnh viễn đi vào cõi hư vô.
Ánh sáng hoàng đới dịu dàng bao trùm mặt tối của hành tinh, sáng lên trong không gian vũ trụ đen ngòm.
Phía trên mặt sáng của hành tinh, một tấm chăn mây màu thanh thiên lơ lửng, phản chiếu ánh sáng mạnh mẽ của vầng Mặt trời màu thép xám. Bất cứ người nào nhìn những đám mây mà không có kính lọc làm giảm độ sáng thì sẽ bị mù, cũng như bất cứ người nào ở ngoài sự bảo vệ của tám trăm ki-lô-mét khí quyển Trái đất mà lại nhìn về phía cái thiên thể ghê gớm là Mặt trời. Những tia sóng ngắn và cứng của mặt trời — tia tử ngoại và tia rơn-ghen — trút xuống thành dòng thác mạnh mẽ, có thể giết chết mọi sinh vật. Thêm vào đó còn có cơn mưa rào thường xuyên của các hạt vũ trụ. Những ngôi sao bừng sáng lại hay những ngôi sao va chạm nhau trong khoảng xa vô cùng của thiên hà phóng vào không gian những bức xạ khốc hại. Những người làm việc ở ngoài tầng khí quyển không bị chết chỉ là nhờ sự bảo vệ chắc chắn của bộ giáp vũ trụ.
Đa-rơ Vê-te quăng sợi dây cáp bảo hiểm sang phía kia và lần theo cái dầm tựa đi về phía chòm Đại-hùng-tinh hình cái gàu sáng lấp lánh. Một đường ống khổng lồ đã được bắt vào suốt chiều dài của vệ tinh sau này. Ở hai đầu ống, có những hình tam giác góc nhọn đỡ những đĩa cực lớn phát ra trường điện từ. Khi nào đặt xong những bộ nguồn điện biến bức xạ xanh của Mặt trời thành dòng điện thì sẽ không phải buộc người vào nữa. Khi ấy sẽ có thể di chuyển dọc theo đường sức của từ trường nhờ những tấm định hướng trên ngực và sau lưng.
— Chúng tôi muốn làm việc ban đêm — Tiếng nói của Cát Lai-tơ, một kỹ sư trẻ, bỗng vang lên trong mũ của anh — Người chỉ huy «An-tai» đã hứa cung cấp ánh sáng!
Đa-rơ Vê-te nhìn xuống phía dưới, mé bên trái, chỗ có mấy tên lửa vận tải móc nối vào nhau, lơ lửng như những con cá đang ngủ. Cao hơn nữa, dưới cái ô phẳng ngăn chặn các thiên thạch và tia mặt trời, một sân nền tạm thời ghép bằng những tấm vỏ bọc bên trong đang bay lượn. Đấy là nơi tháo rỡ và lắp ghép những bộ phận do các tên lửa mang tới. Ở đó, người làm việc xúm xít nom như những con ong thẫm màu, và mỗi khi mặt phản xạ của bộ áo giáp ló ra khỏi chiếc ô bảo vệ thì họ lại sáng lên như đom đóm. Từ những lỗ hổng đen ngòm ở bên sườn các tên lửa, có những dây cáp tỏa ra chằng chịt như mạng nhện.
Những chi tiết lớn được bốc dỡ khỏi các tên lửa qua mảng vỏ đã tháo ra. Cao hơn nữa, ngay dưới cái khung đã lắp xong, một nhóm người đang loay hoay phía trên một cái máy cồng kềnh, tư thế của họ nom lạ lùng, đôi khi buồn cười. Ở Trái đất, cái vòng bằng đồng thiếc pha bê-ri-li và mạ bô-ra-đôn, phải nặng đến một trăm tấn. Ở đây, khối nặng nề ghê gớm ấy được treo một cách dễ dàng ở gần bộ xương kim loại của vệ tinh nhờ một sợi dây cáp mảnh có tác dụng cân bằng vận tốc quay tổng cộng xung quanh Trái đất của tất cả những bộ phận chưa lắp ghép ấy.
Khi đã quen với tình trạng không có trọng lượng, nói cho đúng hơn là trọng lượng hết sức nhỏ, những người làm việc đều trở nên khéo léo và tự tin. Nhưng chẳng bao lâu lại phải thay những người làm việc khéo láo ấy bằng những người mới. Lao động chân tay lâu dài trong tình trạng không có trọng lượng làm rối loạn tuần hoàn. Sự rối loạn ấy có thể trở nên bền vững, và sẽ làm cho con người trở thành tàn phế khi trở về Trái đất. Bởi vậy, mỗi người làm việc trên vệ tinh không quá một trăm năm mươi giờ lao động, rồi lại về Trái đất, sau khi đã làm quen lại với điều kiện Trái đất trên trạng «trung gian» quay ở độ cao chín trăm ki-lô-mét trên hành tinh.
Đa-rơ Vê-te lãnh đạo công việc lắp ráp, anh cố không để cho mình bị lao lực quá sức, mặc dù đôi khi anh rất muốn làm cho công việc này hoặc công việc khác nhanh hơn lên. Anh cần phải ở đây mấy tháng trên chiều cao năm mươi bảy ngàn ki-lô-mét.
Cho phép làm việc đêm có nghĩa là giúp cho những người bạn trẻ của mình được trở về hành tinh trước thời gian, và như vậy sẽ phải gọi kíp mới sớm hơn. Con tàu liên hành tinh thứ hai trao cho công trường, tàu «Ba-ri-ôn», ở trên đồng bằng A-ri-dôn, nơi có Gơ-rôm Oóc-mơ ngồi bên những màn ảnh vô tuyến truyền hình và bên bàn điều khiển các máy ghi.
Quyết định làm việc không nghỉ đêm, làm việc cả trong những giờ đêm băng giá của vũ trụ, sẽ làm cho việc lắp ráp nhanh lên rất nhiều. Đa-rơ Vê-te không thể từ chối khả năng đó.
Được đồng ý, mọi người rời sân ga lắp ráp, tản về mọi phía và bắt đầu giăng dây cáp thành một tấm mạng nhện càng rắc rối hơn. Tàu liên hành tinh «An-tai» dùng làm nhà tập thể cho những người lao động của công trường và vẫn lơ lửng ở một đầu dầm tựa, bây giờ nó bỗng tháo bỏ sợi cáp có con lăn nối cửa vào của nó với khung vệ tinh. Những luồng lửa dài chói lòa phụt ra khỏi các động cơ của nó. Cái thân tàu khổng lồ quay đi, mau lẹ và êm ru. Không một tiếng động nào vang lên qua khoảng không gian trống rỗng giữa các hành tinh. Người chỉ huy tài giỏi của «An-tai» chỉ cần mấy lần mở động cơ là đã đưa được con tàu lên cao bốn mươi mét trên địa điểm công trường và quay những đèn chiếu của mình về phía sân ga tháo dỡ. Những dây cáp dẫn đường lại được chăng ra giữa con tàu và khung vệ tinh, và toàn bộ khối đồ vật nhiều loại lơ lửng trong không gian trở nên bất động so với nhau, đồng thời tiếp tục quay xung quanh Trái đất với tốc độ ngót mười ngàn ki-lô-mét một giờ. Sự phân phối các khối mây khiến Đa-rơ Vê-te biết rằng công trường đang đi qua phía trên miền châu Nam-cực vì vậy sắp đi vào bóng tối của Trái đất. Những bộ sưởi ấm đã được cải tiến của các bộ giáp bảo vệ không thể hoàn toàn chống lại được hơi thở băng giá của không gian vũ trụ, và thật là khốn cho người nào dại dột dùng hết năng lượng các nguồn điện của mình.
Khoảng một tháng trước, một kiến trúc sư lắp ráp đã chết vì lý do ấy: anh ta ẩn vào cái thân tên lửa bỏ ngỏ lạnh giá để tránh trận mưa thiên thạch bất ngờ và không chịu đựng nổi cho đến lúc lại ra phía Mặt trời… Còn một kỹ sư nữa chết vì thiên thạch. Không thể thấy trước tất cả những trường hợp ấy, cũng không thể phòng ngừa hết được. Việc xây dựng các vệ tinh bao giờ cũng đòi hỏi những hy sinh, và ai sẽ là người tiếp theo?… Những định luật về sự ngẫu nhiên tuy ít áp dụng được cho những hạt cát riêng lẻ, tức là cho những người cá biệt, nhưng vẫn nói lên rằng Đa-rơ Vê-te có nhiều cơ hội nhất để trở thành người tiếp theo… Vì anh ở đây lâu hơn ai hết, trên khoảng cao phơi trần ra trước mọi ngẫu nhiên của vũ trụ…
Nhưng tiếng nói nội tâm tinh nghịch ngầm bảo Đa-rơ Vê-te rằng không thể có điều gì không hay xảy ra cho cá nhân tuyệt diệu của anh. Mặc dù niềm tin ấy hết sức vô lý đối với một người quen lối suy nghĩ toán học, nó vẫn không rời bỏ Đa-rơ Vê-te và giúp anh bình tĩnh giữ được thế cân bằng trên các thanh dầm và các mạng giát của cái khung bỏ ngỏ, không có gì bảo vệ trong vực thẳm của bầu trời đen ngòm.
Việc lắp ráp các cấu kiện trên Trái đất được tiến hành nhờ những máy đặc biệt, gọi là «máy phôi sinh» vì những máy đó làm việc theo nguyên tắc sự trưởng thành của cơ thể sống.
Cố nhiên, sự kiến tạo phần tử của cơ thể sống được thực hiện nhờ cơ chế xi-béc-nê-tic di truyền là một hoạt động phức tạp hơn vô kể, nó không chỉ tuân theo sự chọn lọc hóa lý, mà còn theo một nhịp điệu sóng chưa đoán ra được. Nhưng những cơ thể sống chỉ trưởng thành trong các dung dịch ấm của những phân tử i-ôn hóa, còn các máy phôi sinh thường hoạt động trong những dòng điện và ánh sáng phân cực hay trong từ trường. Những dấu và khóa ghi bằng ta-li phóng xạ trên những bộ phận cần lắp ráp đạt tới mức độ chính xác và mau lẹ khiến những người không am hiểu phải sửng sốt. Ở đây, ở trên cao như thế này thì không có những máy đo và cũng không thể có được. Lắp ráp vệ tinh là công việc xây dựng theo lối cổ, nhờ bàn tay con người. Bất chấp mọi nguy hiểm, công việc thú vị đến nỗi nó thu hút hàng nghìn người tình nguyện. Những trạm thử nghiệm tâm lý chật vật lắm mới kịp xét duyệt tất cả những người muốn bày tỏ với Hội đồng ý nguyện sẵn sàng đi lên không gian giữa các hành tinh.
Đa-rơ Vê-te đến chỗ móng của các máy mặt trời trải thành hình rẻ quạt xung quanh một ống bọc khổng lồ có máy tạo sức hấp dẫn, và anh ghép cái pin sau lưng của mình vào đầu dây của mạch kiểm tra. Một khúc điệu đơn giản vang lên trong máy điện thoại ở mũ áo giáp của anh. Khi đó, anh ghép song song vào mạch một tấm kính trên có một sơ đồ vẽ bằng những đường mảnh óng ánh vàng. Vẫn khúc điệu ấy vang lên. Đa-rơ Vê-te quay hai véc-ne, làm cho các điểm thời gian trùng nhau và thấy rõ rằng cả khúc điệu lẫn âm điệu điều chỉnh đều không có gì chệch choạc. Họ đã lắp ráp hoàn hảo một bộ phận quan trọng của cái máy tương lai. Có thể bắt đầu đặt những động cơ điện bức xạ. Đa-rơ Vê-te ưỡn thẳng đôi vai mỏi vì mặc áo giáp đã lâu và quay đầu. Cử động đó làm cho các đốt sống cổ kêu răng rắc, chúng đã bắt đầu tê cứng vì một thời gian dài không động đậy ở trong mũ. May là Đa-rơ Vê-te có sức đề kháng đối với những bệnh loạn tinh thần phổ biến trong những người làm việc ngoài khí quyển Trái đất: bệnh buồn ngủ tử ngoại và bệnh điên hồng ngoại, nếu không thì có lẽ anh không làm tròn được nhiệm vụ vinh dự của mình.
Chẳng bao lâu nữa, lớp vỏ bọc đầu tiên sẽ giúp những người làm việc thoát khỏi tình trạng cô đơn phiền muộn trong vũ trụ trống trải, bên trên cái vực không có trời và không có đất!
Một thiết bị cấp cứu từ «An-tai» phóng ra bay vút qua gần công trường. Đấy là tàu kéo được phái đi dắt những tên lửa tự động chuyên dùng chở hàng và bao giờ cũng dừng lại ở độ cao nhất định. Về đúng lúc! Một đám tên lửa, người máy và vật liệu bay lượn trong không gian vừa rời sang phía đêm của Trái đất. Tàu kéo trở lại, dắt theo ba tên lửa dạng cá lấp lánh ánh xanh lam, mỗi cái nặng đến một trăm năm mươi tấn, không kể chất đốt.
Các tên lửa được ghép vào những cái giống nó ở xung quanh sân ga bốc dỡ. Đa-rơ Vê-te nhảy một bước sang phía bên kia khung và đã ở giữa nhóm cán bộ kỹ thuật chỉ đạo việc tháo dỡ. Mọi người đang thảo luận kế hoạch làm việc đêm. Đa-rơ Vê-te đồng ý với họ, nhưng đòi thay tất cả các bộ pin cá nhân bằng những bộ pin mới, bảo đảm sưởi ấm cho các bộ giáp vũ trụ trong ba mươi giờ liền, không kể việc cung cấp điện cho các đèn cá nhân, các máy lọc không khí và máy điện thoại vô tuyến.
Cả công trường chìm vào bóng tối ban đêm, như chìm xuống vực biển. Nhưng một thời gian lâu sau đó, ánh sáng hoàng đới êm dịu màu tro (sinh ra những tia mặt trời bị khuếch tán khi gặp những chất khí ở các lớp trên cùng của khí quyển) vẫn còn chiếu sáng bộ xương của vệ tinh tương lai đã cóng lại dưới nhiệt độ 180 độ âm. Hiện tượng siêu dẫn gây trở ngại nhiều hơn so với ban ngày. Lớp cách điện trong các dụng cụ, các bộ pin hay các ắc-quy chỉ hư mòn tí chút là những vật ở gần đấy bị bao trùm dưới ánh hào quang xanh của dòng điện chảy lung tung ngay trên bề mặt, khiến ta không thể điều khiển dòng điện theo hướng cần thiết.
Bóng tối sâu thăm thẳm của vũ trụ xuất hiện cùng một lúc với cái lạnh mỗi lúc một dữ dội.
Những ngôi sao sáng chói lên như những chiếc kim xanh lè. Những thiên thạch bay không tiếng động, không trông thấy trong đêm tối lại càng đáng sợ hơn bao giờ hết! Trên mặt quả cầu tối ở phía dưới, trong những dòng khí quyển, người ta thấy bừng lên những đám mây tích điện tỏa hào quang nhiều màu, những tia phóng điện dài ghê gớm và những dải phát sáng tán xạ dài hàng nghìn ki-lô-mét. Ở đấy, trong những lớp trên cùng của lớp vỏ không khí, những trận cuồng phong di chuyển nhanh và mạnh hơn bất cứ cơn bão nào của Trái đất.
Khí quyển bão hòa bức xạ của Mặt trời và của vũ trụ tiếp tục công việc khuấy trộn năng lượng một cách ráo riết, gây khó khăn hết sức lớn cho việc liên lạc giữa công trường với hành tinh thân yêu.
Đột nhiên có điều gì thay đổi trong cái thế giới nhỏ bé lọt thỏm giữa bóng tối lạnh khủng khiếp. Đa-rơ Vê-te không hiểu ngay rằng đó là đèn của tàu liên hành tinh đã bật sáng. Bóng tối càng đen ngòm hơn, những ngôi sao dữ tợn mờ đi, nhưng sân ga và khung vệ tinh nổi rõ mồn một trong ánh sáng trắng rực rỡ. Mấy phút sau, «An-tai» giảm cường độ chiếu sáng, ánh sáng ngả sang màu vàng và bớt gay gắt. Con tàu tiết kiệm năng lượng ở các ắc-quy của mình. Những tấm vỏ bọc hình vuông, hình en-líp, những giát giàn gia cố, những ống trụ, những ống chứa bắt đầu chuyển dịch, dần dần vào đúng vị trí của mình trên bộ khung xương của vệ tinh, chẳng khác gì công việc đang diễn ra giữa ban ngày.
Đa-rơ Vê-te sờ soạng tìm cái dầm ngang, nắm lấy những quả nắm có trục lăn trên hàng lan can bằng dây cáp và đạp chân một cái, anh bóp chặt cái hãm trong tay và dừng lại kịp thời để không đâm vào cánh cửa đóng.
Trong khoang chuyển tiếp, người ta không duy trì áp suất bình thường của Trái đất để giảm sự mất mát không khí do số người làm việc ra vào cửa quá nhiều. Vì thế, Đa-rơ Vê-te không cởi áo giáp, bước vào khoang buồng thứ hai được thiết bị tạm thời làm khoang buồng phụ và ở đấy, anh bỏ mũ và bộ pin. Để làm cho cơ thể mỏi nhừ đỡ tê dại, Đa-rơ Vê-te bước mạnh trên boong trong, khoan khoái vì được trở về tình trạng trọng lượng gần như bình thường. Sức hấp dẫn nhân tạo của tàu liên hành tinh hoạt động liên tục. Thú vị biết bao khi được cảm thấy mình là một con người đứng vững chân trên đất chứ không phải là một con muỗi nhỏ bé bay lượn trong khoảng chân không bấp bênh và hư ảo! Ánh sáng dịu dàng và không khí ấm, chiếc ghế bành thuận tiện cám dỗ anh nằm dài ra để nghỉ ngơi, không suy nghĩ gì hết. Đa-rơ Vê-te thưởng thức cái lạc thú của tổ tiên ngày xưa, cái lạc thú mà trước đây đã làm anh ngạc nhiên khi đọc những cuốn tiểu thuyết cổ. Cũng hệt như thế này, sau một thời gian dài lang thang trong hoang mạc lạnh lẽo, trong rừng ẩm ướt hay trong dãy núi đóng băng, người ta vào một chỗ ở ấm áp: một căn nhà, một căn nhà hầm, một cái lều bằng dạ. Và khi ấy, cũng như ở đây, những bức tường mỏng mảnh ngăn cách con người với thế giới lớn lao, nguy hiểm, thù địch với con người, gìn giữ sức ấm và ánh sáng cho con người, khiến người ta có thể nghỉ ngơi lấy lại sức, nghiền ngẫm về những công việc sắp tới.
Đa-rơ Vê-te khước từ sự cám dỗ của chiếc ghế bành và cuốn sách. Ánh đèn sáng bừng lên suốt đêm ở trên cao có thể gây hoảng hốt cho những người quan sát có nhiệm vụ theo dõi việc xây dựng. Ngoài ra, nên báo trước cho Trái đất biết để chuẩn bị đưa người lên thay thế trước kỳ hạn.
Hôm nay, việc liên lạc thành công: Đa-rơ Vê-te nói chuyện với Gơ-rôm Oóc-mơ không phải bằng những tín hiệu mã hóa, mà bằng máy vô tuyến điện thoại truyền hình nổi, mạng ngang với những máy loại đó ở bất cứ con tàu liên hành tinh nào. Ông chủ tịch già của Hội đồng du hành vũ trụ tỏ ra hài lòng và lập tức quan tâm đến việc chọn đội công tác mới và tăng cương cung cấp các chi tiết.
Đa-rơ Vê-te ra khỏi trạm điều khiển của «An-tai», đi qua cái thư viện đã được thiết bị lại thành phòng ngủ bằng cách đặt hai dãy giường dọc theo các bức tường. Các ca-bin, các phòng ăn, bếp, các hành lang biên, căn phòng phía trước đặt động cơ cũng trang bị thêm giường. Con tàu liên hành tinh biến thành một cơ sở tĩnh tại đầy chật người. Đa-rơ Vê-te bước đi trong cái hành lang phủ những tấm chất dẻo màu nâu sờ vào thấy âm ấm. Anh uể oải mở những cánh cửa đóng kín và lại đóng sập vào.
Anh nghĩ về những nhà du hành vũ trụ đã sống hàng chục năm trong một con tàu giống như thế này mà không có hy vọng gì rời khỏi con tàu để ra bên ngoài sớm hơn cái kỳ hạn lâu kinh người. Còn anh sống ở đây đã hơn năm tháng, ngày nào cũng rời những căn buồng chật hẹp để ra làm việc trong khoảng chân không bao la giữa các hành tinh, vậy mà anh đã buồn nhớ Trái đất thân yêu với những thảo nguyên, những biển cả và những trung tâm sôi nổi sự sống của những Vành đai dân cư. Còn Éc-gơ No-rơ, Nhi-da và hai mươi người nữa của đội tàu «Thiên nga» sẽ phải sống trong con tàu vũ trụ chín mươi hai năm phụ thuộc hay một trăm bốn mươi năm Trái đất cho đến khi con tàu trở lại hành tinh thân yêu. Không một người nào trong bọn họ có thể sống đến lúc ấy. Thi hài họ sẽ được hỏa thiêu và mai táng ở đấy, trong không gian vô tận, trên các hành tinh của ngôi sao zir-cô-ni màu lục…
Hay họ sẽ từ giã cuộc đời ở dọc đường, và khi ấy họ được đặt vào một chiếc tên lửa dùng cho việc mai táng và sẽ bay vào vũ trụ… Những chiếc thuyền con của tổ tiên xa xôi của anh cũng trôi ra biển như thế, mang theo thi hài những chiến sĩ đã tử trận. Nhưng lịch sử loài người chưa từng thấy những người anh hùng tự nguyện chịu giam hãm suốt đời trong một con tàu và bay đi mà không có hy vọng gì trở về. Không, anh nghĩ không đúng. Vê-đa hẳn sẽ trách móc anh! Chẳng lẽ anh đã quên những chiến sĩ vô danh thời xưa đã đấu tranh cho phẩm giác và tự do của con người, họ sẵn sàng chịu đựng cái khổ hình còn ghê gớm hơn: bị giam suốt đời trong những hầm tối ẩm ướt, chịu đựng những sự tra tấn rùng rợn. Đúng, những người anh hùng ấy còn kiên cường hơn và cao thượng hơn cả những người thời nay đang sẵn sàng để nghiên cứu những thế giới xa xăm! Còn anh chưa bao giờ rời bỏ hành tinh thân yêu một thời gian lâu, anh là con người nhỏ bé so với họ, chứ hoàn toàn không phải là một thiên thần của bầu trời như Vê-đa Công đáng yêu vô hạn thường gọi đùa anh với vẻ giễu cợt.